10 năm quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam- Đức: Một chặng đường phát triển năng động 11/10/2021
Cách đây đúng 10 năm, ngày 11/10/2011, Việt Nam và CHLB Đức đã thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Đức Angela Merkel. Dấu mốc quan trọng này thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ hai nước nhằm tạo ra một xung lực mới cho mở rộng và làm sâu sắc hơn hợp tác nhiều mặt giữa hai nước, thiết thực đáp ứng mong muốn và lợi ích của nhân dân hai nước.
Được xây dựng trên nền tảng của tình hữu nghị, sự tin cậy lẫn nhau, cùng chia sẻ những giá trị chung về hòa bình và phát triển, quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam – Đức sau một thập niên triển khai đã có những bước chuyển biến vượt bậc về nhiều mặt.
Tin cậy chính trị ngày được củng cố
Quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác tốt đẹp giữa hai nước tiếp tục được củng cố thông qua trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp cao thường xuyên. Năm 2015, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên tới Đức và sau đó 2 năm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng lần đầu tiên thăm chính thức Đức và dự Hội nghị thượng đỉnh G20 với tư cách khách mời của nước chủ nhà Đức.
Những cuộc tiếp xúc cấp cao thời gian qua, trong đó có hội kiến giữa Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier tại Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 24/9/2021 và điện đàm giữa Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 22/6/2021 có ý nghĩa quan trọng, tiếp tục thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển tốt đẹp và toàn diện hơn.
10 năm qua chứng kiến nhiều cơ chế đối thoại, tham vấn trong các lĩnh vực chính trị – ngoại giao, kinh tế, hợp tác phát triển, pháp luật, khoa học – công nghệ, an ninh – quốc phòng… giữa Việt Nam và Đức được thiết lập, nâng cấp, hoàn thiện và hoạt động ngày càng hiệu quả. Kế hoạch hành động chiến lược với những nội dung, chương trình hợp tác lâu dài tạo cơ sở định hướng cho triển khai và đánh giá kết quả hợp tác nhiều mặt giữa hai nước.
Trên bình diện khu vực và quốc tế, hợp tác và phối hợp giữa Việt Nam và Đức ngày càng chặt chẽ và hiệu quả. Việt Nam là cầu nối để Đức tăng cường quan hệ với ASEAN và Đức luôn có tiếng nói ủng hộ mạnh mẽ Việt Nam mở rộng quan hệ với EU. Việc Việt Nam và EU ký các văn kiện hợp tác quan trọng như Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) năm 2019 đã in đậm dấu ấn ủng hộ tích cực của Đức đối với Việt Nam.
Có một điều đặc biệt là, năm 2020 khi cả hai nước cùng là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Việt Nam là Chủ tịch ASEAN và Đức là Chủ tịch luân phiên của EU, hai nước đã phối hợp chặt chẽ thúc đẩy thành công việc nâng cấp quan hệ ASEAN – EU lên đối tác chiến lược.
Cùng ủng hộ chủ nghĩa đa phương, mong muốn hòa bình, ổn định và phát triển trên cơ sở luật pháp quốc tế, hai nước đã tích cực phối hợp tham gia giải quyết các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, hỗ trợ nhân đạo, phòng chống đại dịch, phụ nữ, hòa bình và an ninh…
Không gian hợp tác kinh tế và phát triển không ngừng mở rộng
Hợp tác kinh tế là một trụ cột quan trọng hàng đầu của quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam – Đức. Nhiều năm qua, Đức liên tục là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong EU. Trong khi đó, Việt Nam đã vươn lên trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Đức tại Đông Nam Á.
Trong một thập kỷ qua, kim ngạch thương mại hai nước đã tăng gấp đôi lên mức trên 10 tỷ USD. Dù gặp nhiều khó khăn do diễn biến dịch Covid-19 trên thế giới, trao đổi thương mại song phương tính đến tháng 8/2021 đạt hơn 7,2 tỷ USD, tăng 11,3 % so với cùng kỳ năm 2020. Việc thực thi Hiệp định EVFTA đã mở rộng tiếp cận thị trường cho hàng hóa của hai nước, trong đó nhiều mặt hàng của Việt Nam như dệt may, đồ gỗ, nông sản chất lượng cao đã giành vị trí vững chắc ở thị trường Đức và EU.
Cộng đồng hơn 350 doanh nghiệp Đức đang đầu tư tại Việt Nam, trong đó có nhiều tập đoàn lớn, đã lựa chọn Việt Nam là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã đầu tư 30 dự án với tổng số vốn 120 triệu USD trong các lĩnh vực tài chính – ngân hàng, tin học, nhà hàng, khách sạn tại Đức.
Bên cạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư sôi động, cơ chế xử lý nhanh (fast-track) và Ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế đã được thiết lập để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp hai nước hoạt động thuận lợi tại thị trường của nhau.
Với định hướng đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, Việt Nam sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác với Đức trong những lĩnh vực có tiềm năng rất lớn như công nghệ cao, năng lượng tái tạo, kinh tế số, chế tạo máy, công nghiệp phụ trợ, môi trường, cơ sở hạ tầng…
Hợp tác phát triển là lĩnh vực hợp tác truyền thống tốt đẹp giữa Đức và Việt Nam. Trong 30 qua, Đức đã cung cấp trên 2 tỷ USD vốn ODA để góp phần tích cực hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập quốc tế. Phát huy những thành tựu đã đạt được trên nền tảng vững chắc của quan hệ đối tác chiến lược, Đức xác định Việt Nam là Đối tác toàn cầu trong triển khai Chiến lược hợp tác phát triển 2030. Để tiếp tục hỗ trợ Việt Nam phát triển bền vững, Đức tăng cường hợp tác với Việt Nam như một đối tác then chốt trong giải quyết các vấn đề toàn cầu như chống biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường…
Với việc thực hiện thành công chương trình hợp tác lao động thí điểm được Chính phủ Đức triển khai từ năm 2013, đến nay, khoảng 1.000 điều dưỡng viên Việt Nam đã sang làm việc tại Đức. Tới đây, hợp tác lao động giữa hai nước sẽ tiếp tục mở rộng trong nhiều ngành, nghề, nhất là lao động có kỹ năng như kỹ thuật viên điện, điện tử, đầu bếp…
Ưu tiên hợp tác phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao
Hai nước là đối tác quan trọng của nhau trong nhiều chương trình nghiên cứu chung trong các lĩnh vực đổi mới sáng tạo ở doanh nghiệp, chống biến đổi khí hậu, sử dụng hiệu quả tài nguyên, kinh tế sinh học…
Hiệp định hợp tác về Khoa học – Công nghệ giữa Việt Nam và Đức là cơ sở quan trọng cho phát triển hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực quan trọng này. Trong quá trình triển khai Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội 2021-2030, Việt Nam sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với Đức trong nghiên cứu khoa học, trí tuệ nhân tạo, công nghiệp 4.0…
Hợp tác giáo dục – đào tạo cũng là một thành tố quan trọng trong quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam – Đức. Đến nay, Việt Nam và Đức đã thiết lập hơn 160 chương trình liên kết hợp tác, trên 7.000 sinh viên Việt Nam đang theo học đại học tại Đức và con số này sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Không chỉ có cơ hội sang Đức học tập, sinh viên Việt Nam còn có cơ hội tiếp cận nền giáo dục tiên tiến của Đức khi theo học tại Đại học Việt – Đức. Đây là dự án “hải đăng” với mục tiêu xây dựng một trường đại học xuất sắc tại Việt Nam nhận được sự hỗ trợ của Chính phủ hai nước và bang Hessen. Trường đại học này với cơ sở vật chất và trang thiết bị hiện đại tại tỉnh Bình Dương đang đứng trước triển vọng trở thành một cơ sở đào tạo hàng đầu ở Đông Nam Á.
Chung tay ứng phó với các thách thức chung
Trước những thách thức của dịch Covid-19, tinh thần Đối tác chiến lược Việt Nam – Đức đã tỏa sáng. Trong giai đoạn đầu khi dịch bệnh bùng phát năm 2020, Chính phủ Việt Nam đã hỗ trợ 100 ngàn khẩu trang kháng khuẩn cho Đức.
Cộng đồng Việt Nam tại Đức, với vai trò cầu nối hữu nghị giữa hai nước, đã chung tay góp sức chống dịch với Chính phủ và nhân dân Đức thông qua các hoạt động quyên góp, may khẩu trang cho các cơ sở y tế, viện dưỡng lão ở Đức.
Trong làn sóng dịch Covid-19 hiện nay, Chính phủ Đức đã gửi tặng Việt Nam gần 3,5 triệu liều vaccine qua cơ chế song phương và COVAX cùng nhiều trang thiết bị y tế thiết yếu. Nhiều địa phương của Đức đã viện trợ một khối lượng lớn vật tư y tế cho Việt Nam.
Đây là sự hỗ trợ kịp thời, quý báu rất đáng trân trọng, thể hiện tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau giữa hai nước trong lúc khó khăn. Việc sớm kiểm soát dịch bệnh đang thúc đẩy khôi phục giao thương, đi lại và giao lưu giữa hai nước.
Thật tự hào khi nhìn lại những dấu ấn của quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam – Đức trong 10 năm qua. Với hành trang là mối quan hệ hữu nghị và hợp tác tốt đẹp được Lãnh đạo và nhân dân Việt Nam – Đức dày công vun đắp trong nhiều năm qua và cùng chia sẻ mục tiêu chung là đóng góp cho hòa bình, ổn định hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới, Việt Nam tiếp tục đồng hành với Đức trên chặng đường phía trước, cùng phát triển quan hệ Đối tác chiến lược bền vững và hiệu quả hơn vì lợi ích chung của nhân dân hai nước.